Từ Sách truyện đến Phòng hòa nhạc: Câu chuyện cổ tích của Schumann

0 Comment
552 Views

Cũng giống như các nghệ sỹ âm nhạc ngày nay, các nhà soạn nhạc thế kỷ XIX lấy cảm hứng từ nhiều nguồn: tình yêu và những thiên cảm xúc khác nhau, các bữa tiệc tùng và báo giới, đặc biệt là những cuốn sách. Nhà soạn nhạc người Đức Robert Schumann cũng không ngoại lệ, ông kết hợp những cảm hứng từ văn học vào các tác phẩm của mình. Hâm mộ tiểu thuyết của Jean Paul Richter từ đầu những năm 1800, Schumann đã sử dụng nhiều ngụ ý văn học khác nhau trong âm nhạc của mình, bao gồm những lựa chọn phong cách luân phiên và nhấn mạnh đến những điều bí ẩn và kỳ quái bằng những hòa âm và nhịp điệu âm u có chủ ý. Mặc dù cảm hứng đó xuất hiện trong phần lớn âm nhạc của ông, tác phẩm ngắn Märchenbilder (Những bức tranh cổ tích) dành cho Viola và Piano năm 1851 đặc biệt thú vị hơn cả bởi chủ đề mang màu sắc cổ tích huyền bí.

Viola thuộc họ violin, với âm trung lấp đầy khoảng trống giữa âm cao của violin và âm trầm của cello. Trong lịch sử, nhạc cụ này đã bị các nhà soạn nhạc bỏ qua và thiên vị sử dụng violin vì âm thanh tối và ít hào nhoáng hơn, nhưng nó lại đặc biệt phù hợp với màu sắc bí ẩn của Märchenbilder vì lý do đó.

Clara Schumann và Joseph Joachim trong buổi hòa nhạc, tranh của Adolph von Menze, 1854

Märchenbilder gồm bốn chương ngắn mang bốn phong cách khác nhau. Mặc dù Schumann không để lại bất kỳ thông tin nào về những câu chuyện cổ tích ẩn chứa trong tác phẩm, nhưng người nghe vẫn có thể đưa ra những diễn giải của riêng mình sau khi đắm chìm vào thế giới âm thanh riêng biệt của từng chương. Tôi sẽ tập trung vào hai chương đầu tiên ở đây, được đánh dấu là Nicht schnell (Không nhanh) và Lebhaft (Sống động), và mối quan hệ của chúng với cuốn tiểu thuyết Flegeljahre (Cặp song sinh) năm 1805 của Jean Paul. Märchenbilder không phải là một bản nhạc chuyển thể tác phẩm của Jean Paul (Richter), vì vậy tôi sẽ không trực tiếp so sánh hai tác phẩm; thay vào đó, tôi sẽ tách biệt sự tương tự về chủ đề và kỹ thuật.

Các tác phẩm của Jean Paul đặc trưng bởi văn phong thay đổi đột ngột và cách chơi chữ ngông cuồng, ông là một fan cuồng của lộng ngữ và âm nhạc. Flegeljahre là loạt câu chuyện kể về một cặp song sinh, một người là người thổi sáo du ca, còn người kia phải thực hiện một loạt các nhiệm vụ bất thường để có thể thừa kế khối gia sản kếch xù. Những nhiệm vụ này có thể là chỉnh đàn piano cả ngày, hay hợp tác với người thợ săn “cho đến khi anh ta săn được một con thỏ, cho dù việc đó kéo dài hai giờ hay hai năm.” Lối viết hài hước của Jean Paul thường xuyên chuyển đổi góc nhìn như các tài liệu và thư từ giữa các nhân vật để hỗ trợ câu chuyện. Flegeljahre được xuất bản trong bốn tập mở rộng, với cốt truyện chính về hai anh em sinh đôi và bao gồm cả một câu chuyện về tình yêu.

Robert Schumann, ảnh được dựng lại bởi Hadi Karimi

Tự sự tùy biến

Phong cách tự sự tùy biến này cũng xuất hiện trong âm nhạc của Schumann; thay vì viết ra một câu nhạc có thể kéo dài tám hoặc mười ô nhịp, các nhà soạn nhạc thử nghiệm các motif ngắn hơn, các đoạn một hoặc hai ô nhịp có thể được thay đổi và lặp lại theo ý thích của nhà soạn nhạc. Schumann đã sử dụng kỹ thuật này trong chương đầu tiên của Märchenbilder với tiết điệu giảm dần xuất hiện đầu tiên trong phần piano.

Motif này được chuyển giữa viola và piano xuyên suốt chương, với những thay đổi nhỏ trong các nốt và các đoạn nhuận sắc (ornament) – tức cách đánh hoa mỹ hơn, nhanh hơn. Bằng cách sử dụng chất liệu giai điệu ngắn hơn thay vì các câu dài, Schumann tự do hơn trong việc chuyển trọng tâm giữa các nhạc cụ và âm thanh. Sự tự do này mô phỏng khuynh hướng khám phá đa góc nhìn của Jean Paul trong cùng một đoạn.

Sự khác biệt về phong cách cũng được thể hiện qua âm điệu của các chương. Trong khi chương một chậm và tròn trịa, thì chương hai thực sự là một cuộc diễu hành sôi động với âm giai trưởng. Chọn lựa này thường nhằm diễn tả niềm hạnh phúc và niềm vui thay vì nỗi buồn với âm giai thứ hiện diện trong chương đầu.

Mặc dù tôi sẽ không phân tích sâu về chương ba và bốn ở đây, chúng cũng mang phong cách hoàn toàn khác biệt; chương thứ ba là một bản Scherzo dồn dập mô phỏng một trận chiến, trong khi đó chương thứ tư lại là một khúc hát ru nao lòng, đượm vẻ u sầu. Cũng giống như mỗi chương này tạo ra một thế giới âm thanh riêng biệt, văn chương của Jean Paul đã khám phá nhiều nhân vật, cốt truyện và phong cách viết khác nhau. Người đọc luôn tự hỏi những gì sẽ xảy đến tiếp theo, tương tự người nghe khi đang thưởng thức các tác phẩm trong thế giới âm nhạc của Schumann.

Robert Schumann, ảnh được dựng lại bởi Hadi Karimi

Huyền bí và kỳ quái

Văn học thế kỷ 19 khai thác và đưa sự huyền bí và kỳ quái vào tác phẩm – Frankenstein của Mary Shelley là một ví dụ điển hình – và các bối cảnh được lựa chọn không hề theo chủ đích rõ ràng. Trong bài báo ‘E.T.A Hoffmann và Robert Schumann: Sự hòa quyện giữa âm nhạc và văn học trong chủ nghĩa lãng mạn Đức’ năm 1983  nhà âm nhạc học L.A. Whitesell đã phát biểu rằng “Thiên nhiên hoang dã là nơi chốn yêu thích của những câu chuyện lãng mạn, giống như những tòa lâu đài cũ hoặc bị bỏ hoang… có một sức hút lớn đối với bóng tối, sự u ám và màn đêm.” Những bối cảnh này cho phép trí tưởng tượng thỏa sức bay nhảy, ẩn chứa manh mối về những điều bất ngờ có thể xảy đến.

Frankenstein: Những lần gặp gỡ người sáng tạo tại thung lũng sông băng (Mer de Glace), tranh của Elsie Russell, 1995

Đoạn mở đầu trong chương một của Märchenbilder tạo ra một bối cảnh theo phong cách tối tăm hơn này. Thử nghe lại trình diễn tác phẩm để nghe ra những nhịp điệu, giai điệu đơn giản và rê thứ có trong hợp âm rải ở cả hai nhạc cụ. Dải âm thấp của đàn piano và sự sôi động khao khát ở cả hai phần kết hợp với nhau để tạo ra một thế giới âm nhạc vang lên tối tăm và căng tràn. Chuỗi giai điệu viola cũng lên và xuống bất kể các nốt cao hơn, quan trọng hơn ở nhịp đầu tiên của ô nhịp, một sự khác biệt so với phần nhạc trước đó có cấu trúc rõ nét hơn. Các nốt đôi khi nằm ngoài khuông nhạc, một phương pháp đổi đi trọng tâm, nhằm che đi nhịp điệu. Điều này tượng trưng cho các diễn tiến cốt truyện quanh co và các nhân vật bí ẩn trong văn học thế kỷ 19, cũng như bối cảnh đen tối của nhiều tác phẩm sáng tác trong thời kỳ này.

Người đẹp ngủ trong rừng, vẽ bởi Henry Meynell Rheam, 1898

Dù Schumann đặt tiêu đề cho tác phẩm này là “Những bức tranh cổ tích”, ông không nêu rõ bất kỳ câu chuyện cụ thể nào được sử dụng làm nguồn cảm hứng, cũng như không chọn thể hiện một câu chuyện âm nhạc của bất kỳ câu chuyện cụ thể nào. Đã có những suy đoán dựa trên nhật ký của ông, rằng các chương của Märchenbilder được lấy cảm hứng từ những câu chuyện của Rapunzel, Rumpelstiltskin và Người đẹp ngủ trong rừng, nhưng chúng ta không thể khẳng định chắc chắn điều này. Tuy nhiên, rất có thể Schumann đã quen thuộc với Truyện cổ Grimm, được xuất bản lần đầu ở Đức vào năm 1812 và 1814, và các tác phẩm Gothic khác của E.T.A Hoffmann, cả hai đều có ảnh hưởng đến các sáng tác của ông. Vì Jean Paul là tác giả yêu thích của Schumann, tôi đã chọn chú trọng vào các tác phẩm văn học của ông, nhưng các biện pháp nghệ thuật trong văn của Jean Paul cũng được sử dụng bởi anh em nhà Grimm và Hoffmann. Mặc dù có thể thưởng thức Märchenbilder mà không cần biết đến điều gì đã tạo cảm hứng cho Schumann khi sáng tác, tuy nhiên hiểu được niềm yêu thích văn học của ông có thể giúp người nghe thỏa mãn và thấu hiểu hơn.

 

03/12/2022

Tác giả: Jaryn Danz

Người dịch: Bùi Thảo Hương

Richter, Jean Paul. Flegeljahre. Bản dịch tiếng Anh của Eliza Lee. Boston: James Munroe và Công ty, 1846.

Whitesell, L. A. “E. T. A. Hoffmann và Robert Schumann: Sự hòa quyện giữa âm nhạc và văn học trong chủ nghĩa lãng mạn Đức. ” Tạp chí của Hiệp hội Liszt Hoa Kỳ 13 (tháng 6 năm 1983): 73-101

Ảnh: hadikarimi.com

~ 1500 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.


Cuộc đấu tranh lạnh lẽo

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...

Vượt lên trên Tự ngã

Tuyết giáng xuống đầu tôi… Lạnh lẽo, mỏi mong, và...