Khi nghệ thuật, tâm lý học và một thành phố hư cấu hội tụ

0 Comment
362 Views

Giảng viên Âm nhạc và Lịch sử văn hóa Oxford Brookes Alexandra Wilson khám phá về thành Vienna dưới thời nhà soạn nhạc thiên tài Erich Wolfgang Korngold.

Thành phố chết được khắc họa trong vở opera Die tote Stadt (tức Thành phố chết) (1920) thực ra là Bruges, nước Bỉ. Nhà soạn nhạc trẻ chưa từng đặt chân đến đó, cũng như Puccini chưa từng sang Paris trước khi viết La bohème. Tuy nhiên, Korngold đã tạo dựng một ấn tượng riêng dựa trên những lời kể nghe từ người khác dành cho những con kênh ảm đạm, mù sương, những con phố Trung cổ u ám, những dãy hiên độc địa, tất cả những gì có thể tạo thành tấm phông hoàn hảo cho một tác phẩm chọn tiếp cận chủ đề đau đớn về tâm lý. Theo nhiều khía cạnh nhất định, tác phẩm Thành phố chết kỳ thực lại được hình thành từ chính quê hương Vienna của Korngold.

Trong thập kỷ thứ hai thế kỷ 20, kinh đô nước Áo trải qua một sự mà ngày nay chúng ta có thể gọi là một chấn động. Ở đầu thập kỷ, thành phố Vienna đầy tự tin, giàu sang, và đang tận hưởng một thời đại hoàng kim về văn hóa. Cuối thập kỷ, Vienna là một thành phố kiệt quệ, phải khòm lưng cuốn gối, cái kinh đô bệ rạc về tâm lý đã phân năm xẻ bảy trong các tình huống vô cùng bạo lực. Ở Die tote Stadt, chúng ta có thể phát hiện thấy những ảnh hưởng đến từ một thành phố như nó đã từng trước kia và thành phố mà, vào Thế chiến thứ Nhất, nó đã trở thành.

Đường Ringstrasse vừa xây xong, nơi có tòa nhà nghị viện (1900) tại Vienna, chụp từ Burgtheater.

Chính sự thể Korngold sáng tác một vở opera khi còn trẻ trung như thế – ông bắt đầu sáng tác từ 1916, 19 tuổi – là kết quả của một quá trình nuôi nấng cực kỳ đặc cách mà chỉ riêng ông được hưởng. Vienna vào thời điểm chuyển giao thế kỷ sở hữu một văn hóa âm nhạc cực kỳ thịnh đạt. Tầng lớp trung lưu khấm khá có cho mình một ham thích không thể đáp ứng kịp dành cho âm nhạc và kịch nghệ. Các nhà hát opera và sảnh diễn được xây dựng cùng lúc với viện bảo tàng, trường đại học, các công trình công như một phần quá trình tái thiết đã diễn ra từ cuối thế kỷ 19, với sự hoàn thành của Ringstrasse.

Là con trai của một trong số những nhà phê bình âm nhạc đáng chú ý nhất của thành phố, Julius Korngold, cậu bé Erich Korngold được mặc sức ngập ngụa vào đời sống âm nhạc sôi động của Vienna. Cùng cha mẹ, cậu bé tham gia, và thậm chí còn trình diễn thường xuyên tại các salon âm nhạc do các bậc bảo trợ văn hóa giàu sang đứng ra tổ chức, nơi cậu gặp gỡ những tao nhân mặc khách như Alma Mahler, Oskar Kokoshka. Cha Erich thu xếp để nhạc của con trai mình được chính Gustav Mahler trình diễn, người tôn vinh cậu bé là một thiên tài. Cậu học nhạc với Alexander von Zemlinsky. Puccini, trong chuyến đến Vienna dự các buổi công diễn các vở opera mình sáng tác, trở thành một người bạn thân với gia đình. Về âm nhạc, Die tote Stadt mang dấu vết ảnh hưởng từ tất cả các nhà soạn nhạc vừa nhắc tới, và còn nhiều hơn nữa. Thiên tài âm nhạc chẳng mấy chốc được bàn tán tại các hàng quán thời thượng nhất tại Vienna.

Việc Korngold sáng tác Die tote Stadt cũng là từ một người bạn của ông Julius. Nhà phê bình tình cờ bắt gặp tác giả Siegfried Trebitsch trên đường, một kịch tác gia. Trebitsch đang trong quá trình chuyển ngữ một vở kịch của nhà văn Biểu tượng người Bỉ, Georges Rodenbach, qua tiếng Đức, dựa trên tiểu thuyết Bruges-la-Morte. Hai cha con cùng nhau sáng tác libretto cho vở, mặc dù giấu đi thực tế đó mà dựng lên một bút danh giả Paul Schott cho người viết tưởng tượng, nhằm tránh đi các thù ghét hay đàm tiếu về sự dung túng người nhà từ các đối thủ phê bình âm nhạc của ông Julius.

Erich Korngold bên cạnh bố mẹ, Julius và Josefine vào năm 1911 (Nguồn ảnh: Lebrecht Music & Arts)

Die tote Stadt chọn cho mình các chủ đề đã được rất nhiều lần trao đổi cũng như khai thác bởi văn nghệ sĩ và các tư tưởng Vienna trước Thế chiến thứ Nhất. Dẫu trong tiểu thuyết của Rodenbach, nhân vật chính ra tay sát hại người phụ nữ trẻ có nhiều nét giống với người vợ quá cố, thì nhân vật trung tâm của Korngold chỉ trải qua hành vi sát hại ấy trong một giấc mộng và sau cùng cũng đã giã từ được nỗi ám ảnh anh dành cho người đã khuất. Đương nhiên Vienna đầu thế kỷ 20 có rất nhiều bàn luận về các giấc mơ, với sự xuất bản quyển Giải mộng của Freud ở điểm giao thế kỷ. Xã hội Vienna xì xầm đầy ắp những cuộc nói chuyện về ý nghĩa của giấc mơ, liệu chúng có tiết lộ điều gì về các động cơ vô thức bên trong con người, cũng như cách mà con người chúng ta bị cảm xúc lẫn bản năng chi phối.

Suốt mười năm đầu thế kỷ 20, Freud cho mời các bác sĩ và các bậc trí thức khác từng bày tỏ hứng thú dành cho công trình của mình đến căn hộ ông ở để tham gia thảo luận nhóm diễn ra hàng tuần. Thế giới của phân tâm và âm nhạc chồng chéo lên nhau qua hình ảnh Max Graf, một nhà phê bình đồng nghiệp với ông Julius, kiêm giáo sư dạy nhạc ở Học viện Âm nhạc Vienna, vợ và con của ông đang theo điều trị cùng với Freud. Ông Julius nhiều khả năng cũng đã tiếp xúc với các ý tưởng của Freud sau khi Freud viết bài cho tờ Neue Freie Presse, tờ báo ông viết phê bình.

Vũ hội ở tòa thị chính Vienna với thị trưởng Karl Lueger (Tranh của Wilhelm Gause 1904)

Hoạt động của nội thức chẳng mấy chốc tìm tới các biểu đạt nghệ thuật của giới nghệ sĩ đương thời. Tranh vẽ trường phái Biểu hiện thường xuyên đề cập chủ đề nam tính bị giày vò tâm lý, có nhiều tương đồng với nhân vật Paul trong vở. Các chân dung tự họa của Egon Schiele khắc họa cơ thể nam giới bị kéo giãn, bóp méo, và đau đớn, cũng như trong bức Die Windsbraut (Cô dâu của gió) của Oskar Kokoschka, nét cọ biểu hiện tóm bắt một sự đau đớn nội tâm của nam giới. Ngoài hội họa, Kokoschka còn là tác giả của vở kịch gây tranh cãi mang tên Kẻ sát nhân, Hy vọng của Phụ nữ, trong đó các động cơ bạo lực đối với nữ giới cũng tìm thấy chút âm vang nào đó trong vở opera của Korngold.

Nhiều văn nghệ sĩ lẫn trí thức Vienna bị thu hút bởi tác phẩm đầy lòng thù hằn với phái nữ của triết gia người Áo Otto Weininger tên gọi Geshlect und Charakter (Giới và Tính cách) xuất bản trước đó vào năm 1903. Bất an trước mối họa giải phóng phụ nữ, Weininger tranh luận rằng đàn ông cần tự giải phóng mình trước những phụ nữ hay giành giật tình dục, những người mà ông coi là không có khả năng khai sáng về đạo đức, tư duy lẫn tinh thần. Tình yêu là thức ăn của người đàn ông lý trí – và được trải nghiệm trong hình thái cao nhất chính là khi người họ yêu thương không còn nữa (một suy nghĩ thể hiện qua tình cảm ám cưỡng, lý tưởng hóa Paul dành cho người vợ quá cố Marie, trong vở). Phụ nữ, trái lại, hoàn toàn được định nghĩa, theo Weininger, bởi dục tính hủy hoại (đại diện qua nhân vật Marietta trong vở). Bất kỳ cô cậu thanh thiếu niên nào ở Vienna thập niên 1910 đang bị đau khổ giày vò đều đang đọc quyển sách của Weininger – lẫn các nhân vật văn hóa hàng đầu như Wittgenstein và Schoenberg. Korngold chắc hẳn cũng biết qua quyển sách này, có khi còn đọc qua. Nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Ben Winters cho hay, khi tỉnh giấc giữa cơn mơ, Paul của Korngold đã giải phóng mình ra khỏi các biếm họa sơ sài kiểu Weninger về nữ tính xuất hiện bên trong giấc mơ.

Thế lưỡng phân giữa giai nhân đày đọa và giai nhân mắc đọa – phức cảm Trinh/Điếm – có gốc rễ từ xa xưa trên toàn Châu Âu, nhưng lại là một chủ đề đặc biệt ưa thích của các nhà văn và nhà viết kịch Vienna thời kỳ này. Hugo von Hofmannsthal, nhớ đến nhiều nhất qua vai trò viết libretto cho Strauss, trong quãng 1900 và 1910, đang sáng tác một tiểu thuyết mang tên Andreas, xoay quanh một chàng trai trẻ bí bách về tình dục chỉ có thể nhìn nhận phụ nữ bằng một trong hai thái cực Trinh/Điếm mà thôi. Nhưng thực tế cả hai nhân vật Paul và trong tiểu thuyết của Hugo đều đối mặt với cùng các chủ đề với nhau cho ta thấy sức mạnh của bầu trời văn hóa đương thời.

Bìa quyển Bruges-la-Morte của Georges Rodenbach, thiết kế Fernand Khnopff.

Mái tóc của nữ giới, cũng như sức quyến rũ của nó, là một chủ đề thường được trào lưu Biểu tượng Pháp-Bỉ khai thác, trong đó Rodenbach là một thành viên. (Thử tìm hiểu về quyển Pelléas et Mélisande của Maurice Maeterlinck, vốn hình thành cơ sở cho opera cùng tên của Debussy.) Nhưng mái tóc dài còn là mối bận tâm của các văn nghệ sĩ ở Áo vào thời kỳ này, rất nhiều người tìm thấy cảm hứng trong truyền thuyết phu nhân tộc trưởng Godiva, hay từ chính truyện cổ tích Nàng Rapunzel của anh em Grimm. Rõ rệt nhất ta có thể nghĩ tới Gustav Klimt, tác giả của những họa phẩm được điểm xuyết rực rỡ, trong đó mái tóc suôn dài biểu trưng cho sự quyến rũ của giai nhân đày đọa. Trong một nền văn hóa ám ảnh với tính dục, điều quan trọng chính là nhân vật trung tâm của Die tote Stadt không chỉ ám ảnh với lọn tóc của người vợ quá cố mà còn sử dụng nó như một món vũ khí để siết chết đối thủ cạnh tranh vị trí của người vợ.

Vào thời điểm Korngold bắt đầu sáng tác Die tote Stadt năm 1916, Áo đã tham chiến; nhà soạn nhạc trẻ tuổi được miễn ra chiến trường và ở lại Vienna trong vai trò phụ trách âm nhạc cho trung đoàn. Suốt chiều dài cuộc chiến, cũng như chiến cuộc xảy ra ngay sau đó – đích xác là giai đoạn Korngold sáng tác – Vienna trở thành bóng ma của hào quang quá khứ, đeo đẳng bởi lạm phát tăng cao, thất nghiệp, bất ổn chính trị, và với nhiều thành viên trong xã hội, còn là tình trạng nửa đói nửa no. Kết thúc cuộc chiến cũng chính là sự sụp đổi và lưu đày của hoàng tộc Habsburg và vụ chia cắt khốc liệt của đế quốc Áo-Hung ngày trước. Cú sốc của tất cả những thứ ấy cực kỳ to lớn, và chắc chắn càng tô đậm hơn bởi sự tương phản với những ngày tươi đẹp trước Thế chiến của Vienna. Trong bối cảnh ấy, ý tưởng “thành phố chết” bất chợt phù hợp đến lạ.

Chính vở opera cũng đối mặt với sự tiếc thương – và quả thật, những sầu muộn khi tiếc thương vô độ. Vienna là một thành phố không chỉ tiếc thương những công dân đã bỏ mạng – trong cuộc chiến, trong dịch cúm Tây Ban Nha, và từ nghèo đói – mà còn chính cái bản ngã, cái bản dạng của nó trước chiến tranh, cái quyền uy và sự tự hào ngày trước. Vienna, cũng giống như nhân vật Paul của Korngold, buộc phải tìm cách để tiếp bước và rời khỏi quá khứ. Kỷ nguyên thịnh vượng, của những cỗ xe ngựa kéo sầm uất, của những quý bà trong váy trắng cầm dù, của những buổi dạ vũ lộng lẫy mỹ miều – như cuộc hôn nhân hạnh phúc, lý tưởng hết mực của Paul – chắc chắn đã không còn nữa. Vienna ắt hẳn đã tìm thấy rất nhiều điều vang vọng ngay trong Die tote Stadt.

 

Alexandra Wilson là Giảng viên Lịch sử âm nhạc và Văn hóa ĐH Oxford Brookes. Chị là tác giả của bốn quyển sách: Trường hợp Puccini: Opera dân tộc chủ nghĩa và hiện đại; Opera Nhập môn cho người bắt đầu; Opera trong thời đại Jazz: Chính trị văn hóa nước Anh thập niên 1920; và La Bohème của Puccini

12/05/2022

Tác giả: Alexandra Wilson

Người dịch: Bùi Thảo Hương & Y.K

~ 2200 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.


Cuộc đấu tranh lạnh lẽo

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...

Vượt lên trên Tự ngã

Tuyết giáng xuống đầu tôi… Lạnh lẽo, mỏi mong, và...