Nicola Benedetti: “Âm nhạc là nghệ thuật của những điều mà ta không thể thấy hay chạm vào được”

0 Comment
369 Views

Cứ mỗi giờ trôi qua chúng ta lại càng nhận thức rõ hơn về thế giới và về vị trí của chúng ta trong thế giới ấy. Khu rừng mang tên thế kỷ 21 thật khó hiểu khi xét về bản chất phức tạp và tính trọn vẹn của nó; Trái Đất này đang bị bão hòa bởi con người và thông tin. Hãy thử nghĩ xem, ngoài đó có biết bao nhiêu chuyện đang xảy ra, từ những khám phá khoa học đến y học, sự ra đời của những cuốn sách và các tác phẩm nghệ thuật, 500 bản thu âm của Elgar’s Cello Concerto – một khối lượng bằng chứng vượt quá sức tưởng tượng cho những gì chúng ta đã làm, và chuỗi những phát minh không ngừng nghỉ hiện nay khiến chúng ta choáng ngợp.

Chúng ta cũng đã có quá nhiều thứ mà chúng ta có thể nghĩ ra với đủ mọi hình dạng, kích cỡ, màu sắc và hình thức để phục vụ cho những mục đích chúng ta tưởng tượng ra được. Nhiều thứ trong số đó lại được tạo ra một cách tạm bợ. Điện thoại di động bị hạ cấp trong quá trình gọi là “nâng cấp” – những công ty điện thoại đã thừa nhận điều đó!

Thế còn những thứ được tạo ra với mục đích lâu dài và có thể tồn tại mãi mãi thì sao? Chúng ta có đang hiểu rõ ý nghĩa hoặc giá trị của những điều trường tồn ấy? “Trí tuệ nơi đâu trong vô vàn kiến thức, và kiến thức nơi nào trong muôn vạn thông tin?” TS Eliot đã viết hai câu ấy vào năm 1934. Nếu ông ấy đã từng hỏi như vậy, thì tôi không biết ông ấy sẽ cảm thấy như thế nào về chúng ta ngày nay.

Tôi tin rằng con người vẫn muốn được cảm nhận và rung động. Chúng ta muốn giao tiếp với những người mình yêu thương một cách tốt hơn và tất cả chúng ta đều không muốn cảm thấy cô đơn trong thế giới này. Mặc dù càng lúc càng có nhiều bạn trẻ có vẻ bằng lòng sống trong thế giới ảo trên điện thoại của họ – có cả người lớn nữa – Nhưng tôi biết còn có nhiều người hơn thế nữa vẫn gắn bó với cộng đồng và cam kết đem đến những điều mới mẻ cho mọi người. Vâng, đó là một nỗ lực, nhưng nỗ lực ấy chính là sự hy sinh sẽ gắn chặt những mối liên kết dài lâu và cho ra đời những trải nghiệm sâu sắc hơn và lâu bền hơn.

Nhưng tôi không nuối tiếc thực tại hay thèm khát quá khứ. Sự hiểu biết, thông tin và nguồn kiến thức mà chúng ta tích góp được giờ đây cho chúng ta khả năng phi thường để ý thức và cẩn trọng khi lựa chọn những hướng đi của mình. Tôi tin rằng chúng ta đang nắm trong tay cơ hội tốt nhất từ trước đến nay để nhìn nhận lại bản thân qua những trải nghiệm nổi bật nhất trong quá khứ, cũng như phát triển một mối quan hệ sâu sắc hơn với trực giác nhạy bén của chúng ta. Nhạc cổ điển đóng vai trò rất thú vị trong quá trình tiến hóa này của loài người: nhạc cổ điển là một cuộc đối thoại sâu sắc và đẹp đẽ giữa bản năng và trí tuệ.

Âm nhạc xuất phát từ tận sâu bên trong tâm hồn, điều đó giúp âm nhạc có thể truyền tải những chân lý lâu đời bằng ngôn ngữ hiện đại của chúng ta. Như việc học cách đối mặt với nỗi buồn đau xé ruột, hay học cách tin tưởng – đó là những điều mà chúng ta không thể khám phá được một cách chân thật hơn qua những phương trình, công thức, hay những con số. Âm nhạc thuật lại những sự kiện của nhân loại nghe có vẻ không chính xác, nhưng thật ra nó lại kể một cách chính xác nhất có thể bởi vì những sự kiện đó chỉ đúng khi nó được là chính nó. Đây quả là một tư tưởng cũ, nhưng nói là cũ không có nghĩa là nó không có giá trị.

Việc dạy nhạc và chia sẻ kiến thức âm nhạc rất quan trọng bởi vì, nói một cách đơn giản, âm nhạc rất quan trọng. Trước khi âm nhạc được ký âm, mã hóa, cải tiến, nghiên cứu và được đặt tên, nó đã là một món quà từ tấm lòng của một người dành cho một người khác, nó đã là một khoảnh khắc rung động mà ta chộp lấy được, nó đã là sự dâng hiến của một đời người dành cho Đấng Toàn Năng, âm nhạc đơn giản đã là một công cụ để chúng ta biểu lộ cảm xúc và giao tiếp.

Âm nhạc là nghệ thuật của những điều mà ta không thể thấy hay chạm vào được. Nó là cảm xúc và suy nghĩ, giúp chúng ta cảm nhận được sự cao thượng, sự mềm yếu và sự phóng khoáng. Âm nhạc tiếp cận chúng ta, trò chuyện và truyền tải những điều vô hình từ người tạo ra giai điệu đến người tiếp nhận giai điệu. Âm nhạc có khả năng chiếm hữu chúng ta, giúp chúng ta cảm nhận được những thứ phức tạp. Nó có thể khiến chúng ta trở nên cực kì lạc quan và nó cũng ở đó cùng chúng ta vào những giây phút buồn đau. Chúng ta có thể xem việc làm nhạc cũng giống như việc chữa bệnh, nó tiếp thêm sức mạnh cho chúng ta, và công việc ấy rất là vất vả và tốn thời gian. Âm nhạc mang hàng triệu trái tim đến với nhau chỉ qua một hành động nghe đơn giản, và mang hàng ngàn con người đến với nhau để hòa âm phối khí, tạo ra những giai điệu, nhịp điệu để cùng nhau bộc lộ cảm xúc và phục vụ cho nhu cầu thể hiện cảm xúc của cộng đồng.

 

03/12/2022

Tác giả: Nicola Benedetti

Người dịch: Anh Van

Nicola Benedetti, London, 2021

Nicola Benedetti, DECCA, 2021

~ 1000 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.


Yo-Yo Ma: Âm nhạc là sự hòa quyện của những nốt nhạc

Tôi là người có niềm tin mãnh liệt vào những...