Hành trình lịch sử qua các nhà soạn nhạc Đức

0 Comment
508 Views

Như đã dẫn, nước Đức dễ trao cho chúng ta ấn tượng như một quốc gia của âm nhạc, một nơi luôn vô cùng say sưa vừa sáng tác cũng vừa thưởng thức. Nhưng hãy bắt đầu với Weber, đầy đủ là Carl Maria von…

1. Weber, thiên tài đã truyền cảm hứng để ra đời ba tác phẩm vĩ đại, “Der Freischütz” (Nhà thiện xạ, Mũi tên thần), “Euryanthe” và “Oberon”, người đã tự đóng triện chính mình là một trong những nhà soạn nhạc độc đáo và tạo được nhiều dấu ấn riêng biệt nhất trong nền âm nhạc Đức. Được lấp đầy bằng những nét vẽ táo bạo và đột phá của trí tưởng tượng, ba vở opera này toát lên bầu không khí chân thực của cuộc sống và cảm hứng dân tộc (Đức), và ta cảm nhận được trong đó sắc màu tươi mới, lộng lẫy của những truyền thống dân gian, và sáng tác ca khúc đã biến Nhạc thơ (Lieder) Đức trở thành một kho tàng vô tận. Khi Weber đang chín muồi từ chính sức mạnh tràn trề mang lại cho chúng ta những kiệt tác của ông, thì các ảnh hưởng từ chiến tranh Napoleon đã hun đúc nên một nước Đức nồng nàn lòng yêu nước. Tiếng gọi vũ trang vang lên từ nơi tận cùng của Tổ quốc. Thôn xóm nào cũng rộn ràng nhiệt huyết, và tất cả nguồn tài nguyên của truyền thống dân tộc được thức tỉnh để nâng tình yêu dành cho quê hương đất nước lên thành chí cứu quốc. Đức đã bị bẽ mặt bởi một loạt trận thua tan tác, và niềm tự hào dân tộc đã được kích chạm để chứng tỏ những quá khứ hào hùng thủa xa xưa. Pháp, với mục đích tương tự là vay mượn nghệ thuật nhằm thể hiện lòng yêu nước, đã sinh ra Rouget de-Lisle; còn nước Đức đã sản sinh ra nhà thơ Korner và nhà soạn nhạc Weber.

Tranh sơn dầu chân dung nhà soạn nhạc Carl Maria von Weber, tranh của Caroline Bardua (1781–1864) vẽ năm 1821

Ngoài những sáng tác ca kịch, Weber còn được biết đến với nhiều bản hòa tấu và bản giao hưởng tuyệt đẹp dành cho dàn nhạc, và các tác phẩm khác nhau dành cho piano, từ sonata đến waltz và minuet. Trong số đó, các tác phẩm piano mà ông hài lòng nhất là “Lời mời khiêu vũ điệu Waltz”, “Rondo bất tận” và “Polonaise cung Mi trưởng.” Nhiều bài hát của ông nằm trong danh sách xếp hạng những bài hát tiếng Đức hay nhất. Dù không sáng tác nên những vở opera tuyệt vời, ông vẫn sẽ được công nhận là một nhà soạn nhạc tài ba; tuy nhiên sự xuất sắc vượt trội của ông trong lĩnh vực opera đã phủ bóng tất cả các sáng tác khác và khiến chúng trở nên mờ nhạt.

Weber may mắn có được những nhà thơ tài năng viết lời cho các sáng tác ca kịch của mình. Dù sức sáng tạo của ông ấy cũng kỳ diệu giống như tài năng âm nhạc, nhưng dường như nó bắt nguồn từ niềm say sưa cũng như những cảm xúc cá nhân sâu thẳm. Là một trong những nhà soạn nhạc giàu chất thơ và sinh động gợi hình bậc nhất, ông cần thêm ý tưởng mạnh mẽ đến từ ngoại cảnh để chắp thêm sự bay bổng và mãnh liệt cho tài năng sáng tạo của mình. Nước Đức tại thời điểm này tràn đầy sức sống nhờ tình yêu nước cháy bỏng, và hoàn cảnh nguy khốn tập hợp sức mạnh và lực lượng mới gắn kết quốc gia hòa làm một. Trái tim Weber đập mạnh theo nhịp đập dân tộc Đức. Lãng mạn và nghiêm túc, trí tưởng tượng của ông được nuôi dưỡng bởi những dưỡng chất phong phú nhất từ truyền thống và dân ca Đức. Weber đã lý giải hùng hồn một cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc với tình yêu quê hương mãnh liệt, với lòng thấu cảm sâu sắc với những ảnh hưởng của Tự nhiên, với lối suy tưởng tuyệt vời và sự dung chứa các thế lực cổ xưa trong những câu chuyện thần thoại của người dân Đức; và ta có thể cảm nhận được âm nhạc của ông chất chứa tất cả những sắc màu và sự sống động của những dấu ấn này.

Weber dành một tình yêu đặc biệt cho Tự nhiên. Núi và rừng, hồ và suối, thầm thì với tâm hồn ông bằng những âm thanh đầy ẩn ý. Ông đã tài tình khiến cho những âm thanh này cất giọng và lời ca; và bởi thế, ông được mệnh danh là cha đẻ của trường phái sáng tác opera Đức lãng mạn và sinh động. Với sự khoáng đạt và ngay thẳng, ông đưa tình cảm dân tộc của người dân Đức vào trong âm nhạc. Những motif trong âm nhạc của Weber thường bắt nguồn từ những giai điệu thượng cổ vẫn còn vang lên nơi thôn xóm làng quê, và nhịp đập mới mẻ của trái tim người dân Đức gửi gắm mối rung cảm qua hầu hết mọi khuông nhạc của ông. Tại đây chúng ta tìm ý nghĩa tối hậu trong các tác phẩm nghệ thuật của Weber chứ chẳng còn là vẻ đẹp âm nhạc đơn thuần trong sáng tác của ông.

“Phong cảnh ma quỷ”, tranh sơn dầu trên vải, vẽ khoảng năm 1826, của Carl Blechen (1798-1840)

Thật là thiếu sót nếu như đánh giá về giá trị cũng như tầm quan trọng của cuộc đời nghệ thuật của Weber mà bỏ qua bối cảnh lịch sử đặc biệt của nước Đức vào thời bấy giờ; vì nếu có chăng lúc nào mà trí tưởng tượng sáng tạo được rèn giũa bởi hoàn cảnh để biến những nhu cầu và xung lực của người dân thành một cách diễn đạt tất yếu, thì đó chính là trường hợp của người cha đẻ của opera lãng mạn Đức. Nguồn cảm hứng ấy thấm đẫm trong toàn thể mảnh đất của tư tưởng dân tộc, và thể hiện ra trong nghệ thuật lẫn chữ viết một sự dồi dào không đâu có thể sánh bằng, với ngoại lệ sánh được có lẽ chính là buổi bình minh rực rỡ của tư tưởng Anh quốc còn được gọi là thời đại Elizabeth. Để hiểu về nhà soạn nhạc Weber, ta phải nghĩ về ông không chỉ với tư cách là một nhạc sĩ, mà còn là người con yêu nước và nhà phục hưng những khuynh hướng nghệ thuật cổ xưa, rút ra trực tiếp từ trái tim nồng nhiệt của dân tộc Đức.

Một nhà viết tiểu sử về ông nói rằng: “Weber căm ghét nhà vua, một kẻ có thói trăng hoa và đồi bại  mà ông chứng kiến mỗi ngày, kẻ buộc ông phải đi lén trước cổng cung điện với đầu trần, và là kẻ sỉ nhục ông vô duyên vô cớ. Đối với Weber thì quyền trượng và vương miện không tạo ra sự oai nghiêm, trừ khi chúng thuộc về tay một con người đáng tôn kính; và những suy nghĩ không kỹ lưỡng, phớt lờ nguy hiểm dẫn đến việc Weber có thói quen đáp lại bằng một giọng điệu tự do mà vị vua chuyên quyền không thường nghe thấy. Vì vậy nhà vua ghét cay ghét đắng Weber. […] Cũng vào trong khoảng thời gian này, ý tưởng về opera Nhà thiện xạ bắt đầu nảy chớm, từ lần ông ghé thăm Mannheim. Tại đây, ông cùng người bạn của mình là nhà thơ Friedrich Kind đã cùng nhau tìm kiếm một cuốn sách cũ – “Liêu trai truyện” của Apel. Trong đó có một truyền thuyết cổ xưa kể về người thợ săn Bartusch – một nhân vật thần thoại sống trong rừng rất quen thuộc trong văn hóa dân gian Đức. Cả hai tỏ ra thích thú với câu chuyện kỳ ảo và phi thường này, một câu chuyện ngập tràn màu sắc ấm áp của thiên nhiên và bầu không khí trong lành của núi rừng. Họ ngay lập tức dựng ra bộ khung cho libretto do Kind đảm trách và phần âm nhạc vừa lạ kỳ lại vừa mê hoặc đến khó tin do chính Weber chắp bút.

Một cảnh trong vở opera “Der Freischütz”, nguồn: emilierault.com

Weber sáng tác opera “Mũi tên thần” tại Dresden, Đức. Vở được dàn dựng lần đầu tiên tại nhà hát opera của Dresden giàu truyền thống này, nhưng phải đến năm 1821 khi được công diễn ở Berlin thì sự vĩ đại của opera này mới được đông đảo công nhận. […] “Mũi tên thần” thành công tới mức nó đã đưa tác giả trở thành một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu của sân khấu nhạc kịch. Sự độc đáo, cảm xúc mãnh liệt, niềm đam mê âm nhạc, tình yêu nước nồng cháy và sự tươi mới trong cách biểu diễn là những yếu tố đã tạo ra cú sốc của hân hoan và bất ngờ cho giới thế giới Đức.

2. Nhà soạn nhạc Julius Benedict kể lại, có lần đang lúc đi dạo ở Berlin cùng nhà soạn nhạc Weber, thì Weber nhận ra một cậu bé 11 tuổi đĩnh ngộ khác thường. Tên cậu bé bắt đầu cũng là M như Mozart, và tài năng của cậu có lẽ cũng hiếm hoi có thể xếp ngang hàng với Mozart. Đó là Mendelssohn, sinh tại Hamburg ngày 3 tháng 2, 1809.

[…] “Đây là Felix Mendelssohn,” Weber giới thiệu cậu bé với Julius. Nhà soạn nhạc Julius mô tả lại niềm kinh ngạc dành cho những hiểu biết phi thường của cậu thiếu niên xinh xắn kia, với mái tóc nâu vàng xoăn lọn, đôi mắt trong tinh nhạy, và đôi môi mỉm cười vẻ ngây thơ và háo hức. Năm phút sau Mendelssohn đã khiến người bạn người Anh của cậu bé kinh ngạc bằng màn trình diễn đáng ngưỡng mộ các sáng tác của Julius, quên bẵng Weber, các tứ tấu, đối âm, để trèo qua hàng rào trong vườn, thoắt lên cây như sóc. Khi chớm 20, cậu sáng tác bát tấu đầu tiên, ba tứ tấu cho piano và đàn dây, hai sonata, hai bản giao hưởng, tứ tấu violin đầu tiên, nhiều vở opera, ca khúc, và khúc overture bất hủ cho vở “Giấc mộng đêm hè.” […] Mendelssohn được đón nhận một nền giáo dục đáng ngưỡng mộ, là một người sành sỏi điển cố lẫn ngôn ngữ, và trong một chuyến lưu trú ngắn ngủi ở Dusseldorf đã bộc lộ cả tài năng hội họa, trước sự kinh ngạc của nhiều người. Trước khi 20, cậu là bạn của Goethe và Herder, hai tác giả vô cùng phấn chấn trước một thiên tài trù phú và trọn vẹn dường ấy. Trong một số lá thư Goethe viết có đầy ắp những lời khen tặng và tình cảm vô cùng quyến rũ dành cho Felix, bởi vị Mộc tinh của văn chương Đức tìm ra nơi Apollo trẻ tuổi ấy một hứa hẹn dành cho một sức mạnh toàn bích, thứ sức mạnh khiến chàng trai trẻ trở nên cực kỳ xuất chúng.

Bức chân dung sơn dầu của Felix Mendelssohn Bartholdy, được vẽ vào năm 1846 bởi Eduard Magnus (1799-1872)

[…] Rất ít sự nghiệp sáng tác nào sánh cặp tương phản như của Mozart với Mendelssohn, khi cả hai đều là bậc trời phú phi thường, nhưng lại đối lập nhau hoàn toàn trong những khung cảnh mà cuộc sống của họ diễn ra. Felix Mendelssohn Bartholdy là cháu triết gia Moses Mendelssohn đáng kính, con trai của một chủ ngân hàng Hamburg giàu có. Chú bác của ông đều xuất chúng trong văn chương lẫn trong đời sống hàng ngày. Bạn bè ông từ thủa ấu thơ đều là các bậc học giả, thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ ưu tú, và gia đình ông sinh sống ở những khu vực giàu có, trang nhã nhất. Felix được nuôi dưỡng trong sự xa hoa, và chẳng bao giờ biết đến thiếu thốn, hay giá lạnh của cuộc đời. Bao nàng tiên và sủng ân dường như đều nhoẻn miệng cười trìu mến khi nhà soạn nhạc chào đời, và tặng ban cho ông những tặng phẩm chan chứa nhất. Không ít kẻ rù quến thành công nàng thơ, may cho bọn họ, lại thừa kế cả sự nghèo hèn, và chỉ gặt hái thành công bằng cách chuộng chiều bản thân trước sự dễ dãi, xuề xòa. Nhưng, với bao khuyến giục hướng tới một đời sống an nhàn, thong dong, Mendelssohn lại cật lực lao động như một nô lệ chèo thuyền, và xem tài sản của mình chẳng gì hơn là phương tiện để chuyên chú hiến dâng cho nghệ thuật. Quy luật đời sống của ông chỉ là lòng thôi thúc để lao động, sáng tác say sưa.

Một cảnh minh họa trong “Giấc mộng đêm hè”

Mendelssohn là một trong những nhà soạn thông tuệ, học thuật nhất cả thế kỷ 18. Học nhiều biết rộng, và bản thân cũng có những thành tựu phi thường, sự nghiệp của ông đầy ắp xung năng của kẻ trượng phu, niềm hăng hái chói lòa, và một tận hiến nhiệt tâm cho những hình thái cao vợi của thuật âm nhạc. Không chỉ riêng ở các truyền kỳ tích như Thánh Phaolô hay Elijah, mà các sáng tác viết cho piano, bao gồm Những bài ca không lời, các sonata và nhiều tác phẩm khác, đã đặt ông lên một nơi chốn cao quý dành cho các tác giả lẫy lừng. Trong vai trò một nhà soạn khí nhạc, các overture của Mendelssohn đầy ắp những ý tưởng và ý tứ sáng tác cực kỳ đặc sắc, tinh khôi, lại diễn tả bằng khả năng tô điểm nhạc cụ đầy tinh tế. Ông tiếp xúc nhưng không quá sâu với trường phái Pháp và Ý, và trong tác phẩm của Mendelssohn ta tìm thấy một sự cực đoan của dạng thức sáng tác cho thấy sự đồng điệu của ông với Bach và Handel sâu đậm đến dường nào. Ông rời khỏi cõi đời ở tột đỉnh sức sáng tạo, và chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng một cuộc đời trọn vẹn hơn có thể sản sinh ra một vẻ đẹp trù phú hơn nữa nơi sáng tác của ông. Tuy vậy, dẫu ngắn ngủi, ông vẫn để lại hậu thế nhiều tác phẩm vĩ đại, xếp ông vào hàng ngũ những Titan của âm nhạc.

Vương tế Albert gửi tặng Mendelssohn quyển truyền kỳ tích Elijah mà người dùng để theo dõi buổi diễn, trong đó có cả những dòng ngự bút như sau:

“Gửi tới người nghệ thanh cao, kẻ, dẫu bao quanh bởi bao kẻ phượng thờ những thứ tạp nghệ, bằng thiên phú và kỹ nghệ của mình đã có thể ra tay lưu giữ hệt như bậc ngôn sứ Elijah tôn thờ nghệ thuật chân chính, và một lần nữa gieo vào đôi tai chúng ta, lạc lõng giữa vòng xoáy những âm thanh rỗng tuếch, những nốt nhạc khiết thuần của tài nghệ sáng tác và hòa âm chân chính – gửi tới bậc thầy cao cả, người khiến chúng ta nhận biết về sự thống nhất của tạo phẩm ngay giữa ma trận sáng tạo của mình, từ tiếng thì thầm khe khẽ cho tới tiếng thiên nhiên dữ tợn thét gào: Viết để tưởng nhớ lòng biết ơn của Albert. “Điện Buckingham, 24 tháng 4, 1847.”

3. Và không thể bỏ qua nhà cải cách, Ritter Christoph Willibald von Gluck, một nhân vật nổi bật, ưu nhã trong lịch sử âm nhạc, giống như những tác vụ ông mang vào tác phẩm mình sáng tác cũng như phẩm tính và sức mạnh nơi cá tính của ông. Trong vị trí tác giả tiền bối của Wagner và Meyerbeer, những người nằm trong hàng ngũ những nhà soạn nhạc của thế kỷ 19 đã trao cho opera những biểu đạt ưu nhã và vĩ đại nhất, Gluck đã tiên dự những cải cách quan trọng sẽ xuất hiện, và các tạo tác của ông mà chúng ta chứng kiến là mọi tinh hoa sáng tác có thể nhìn nhận như một trường phái mới.

Tượng Gluck ở Cung hòa nhạc Musikverein, trung tâm âm nhạc cổ điển Vienna


[...] Lịch sử thế giới hiếm khi chứng kiến cảnh tượng mỹ diệu và ấn tượng hơn, một thời kỳ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các thế lực hùng mạnh, hơn là gắn liền với hình ảnh xã hội Pháp những năm cuối của triều đại Louis XV. Ta chứng kiến một vương triều mục nát đến tận cùng bởi thói mê đắm nhục dục và tệ nạn; nhưng bề ngoài lại được tô vàng nạm ngọc lấp lánh khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Một vị vua phóng túng bị dắt mũi bởi dàn nhân tình, còn các cận thần thì ganh đua về độ trụy lạc với phung phí với chính nhà vua. Dù vậy, trong bối cảnh sặc mùi xú uế này, văn học và nghệ thuật vẫn được nuôi dưỡng bằng sự hoa mỹ nồng cháy. Voltaire bấy giờ đang ở đỉnh cao của sự nghiệp huy hoàng, là nhà triết học và thông thái lỗi lạc bậc nhất thời đại. Tia chớp nhạo báng của ông đã tấn công không ngừng vào những giả dối về mặt xã hội, chính trị và tôn giáo của thời kỳ đó. Người dân thuộc mọi tầng lớp, dưới ảnh hưởng của sự châm biếm không mệt mỏi của ông, đang dần giác ngộ rằng họ đang sống trong một thời đại hoàn toàn giả tạo và độc hại đến nhường nào, và chất xi măng gắn kết xã hội trong một tổng thể chật hẹp đang tan chảy nhanh chóng dưới dung môi mạnh mẽ này.

Rousseau, bằng triết lý lãng mạn và tài hùng biện, đã gieo mầm tư tưởng của mình vào lòng những người đương thời, những con người đã mòn mỏi trước sự giả tạo và thối nát của một thời kỳ đã kiệt quệ và không còn gì hứa hẹn dưới chế độ xã hội cũ. Những lý tưởng được xây đắp trong "Nouvelle Héloïse" và "Confessions" đã đánh thức tâm trí mọi người bằng những phản hồi tuyệt vời trước sức hấp dẫn của Tự nhiên, sự đơn giản và một trật tự xã hội không bị ràng buộc bởi các quy tắc hay quy ước. Tài hùng biện triển khai và dẫn dắt những giả thuyết này đã cuốn người dân Pháp vào cơn bão, và trong lòng những nữ công tước và nông dân Rousseau chẳng khác gì một á thần ngụ tại ngôi đền thờ tư tưởng. Các nhà Bách khoa kích đẩy chất men nổi loạn bằng sự nhiệt thành chữ nghĩa, và cả nhiệt huyết đem kết hợp chúng với những tư tưởng cách mạng đương thời. Bầu không khí ấy quả là sực nức lời tiên tri về một thay đổi không thể nào tránh được. Chính Versailles cũng không tránh khỏi cơn hoạn lộ. Triều thần và quý tộc, khi phụng thờ những lý tưởng về cái đẹp của trường phái mới, xa vời hết mực có thể với cái nền văn minh cạn kiệt của họ, chẳng sao nhận ra họ đang đùa với ngọn lửa sắp sửa thiêu rụi toàn thể tòa dinh thự xã hội Pháp bằng một trận hỏa hoạn kinh hoàng.


[…] Nơi chốn trong lịch sử âm nhạc của Gluck vừa riêng có, vừa phân định rõ ràng, ông tiến vào lĩnh vực sáng tác opera khi chốn ấy bị kìm hãm bởi vô vàng các hình thái sáng tác khô khan, vô hồn vô thi vị. Chủ đề của các nhà soạn nhạc dường như là để khoe khoang mức độ thấu hiểu đối âm, hay để tạo dịp cho các diễn viên cơ hội để khoe trổ giọng. Opera, một khả năng biểu đạt cảm xúc của con người vô cùng đầy đặn và cân xứng, thể hiện ở những va chạm diễn ra trong cốt truyện, lại hoàn toàn không có trọng lượng nào trong nghệ thuật (bấy giờ). Sự chú tâm của Gluck rất sớm sủa đã dành cho sự bất xứng lạ thường này; và, mặc dù nhiều năm sau đó vẫn không học ra cách triển khai ý tưởng âm nhạc của mình theo một lý thuyết nào soi đường, cũng không đưa đẩy lý thuyết ấy tới những kết quả tất yếu được hậu sinh khả úy Wagner kiên trì, Gluck đạt được rất nhiều thành tựu bằng thông qua sự đổi mới – cải cách – mau chóng loại hình nghệ thuật này. Ông dày công nhuận sắc cho recitative, tức tính trần thuật trong opera, và đòi hỏi các diễn viên cần phải vô cùng cẩn trọng chăm chút cho tác phẩm. Các aria, hát đôi, hát bốn bè, tương tự như các điệp khúc và khí nhạc được sáng tác song hành với diễn tiến và tình huống kịch. Nói ngắn gọn, Gluck nhắm tới duy nhất một mục tiêu: khiến âm nhạc trở thành sự biểu đạt của thi ca và cảm xúc.

[…] Cả cuộc đời Gluck như được thắp rọi bằng nhận thức bất khả chế ngự về lòng tự cường, được nó nâng thẳng vào một bầu không khí cao vượt lên các đối thủ, những kẻ giờ đây thế gian gần như đã quên lãng, ngoại trừ sự thể họ đã trở nên bất tử do đã trở thành kẻ thù của ông. Như những Milton và Bacon, những người lưu dấu muôn đời hậu thế bởi những tri thức họ để lại, Gluck sở hữu một nhận thức hùng cường về bản thân. “Tôi đã viết,” ông từng tuyên bố, “âm nhạc trong vở opera Armide theo lối có thể khiến nó không cũ đi.” Đây là một hảo ảnh tối thượng không tách lìa những bậc thiên tài mãnh liệt của thế gian, một cơn cuồng phong có sức mạnh đo bằng chính tốc độ tiến lên của nó. […] Ta tìm thấy trong âm nhạc của Gluck một sự vĩ đại và phẩm tính nghề nghiệp chưa một ai từng vượt qua được. Năng lực sáng tác giai điệu của nhà soạn nhạc quả là đáng ngưỡng mộ, thế nhưng ông lại vấp phải một sự giới hạn về thẩm mỹ; bởi năng lực kia luôn sở hữu một chiều sâu, sự giản dị và khảng khái đặc trưng. Ông nhắm về và đạt đến một sự cân bằng đối xứng của một vở kịch Hy Lạp. 

Bút tích của Gluck trong đoạn kết lá thư gửi Hoàng thân Kaunitz năm 1769, Ảnh chụp của Hulton Archive/Getty Images

Con người xã hội của ông lý thú chẳng kém con người nghệ sĩ của ông. Giống Weber, Gluck dọn vào xã hội của các hoàng thân quốc thích bằng một phẩm tính vừa kiêu ngạo lại vừa bình thản, một người ngang vai phải lứa biết rõ mình muốn gì cần gì, và chưa bao giờ dù chỉ một lần cung hiến nghệ thuật của mình để đạt tư lợi hay để giành lấy sủng ân từ những kẻ quyền cao chức trọng. Ông sở hữu một sự uy nghi rất tự nhiên, kết quả của kết hợp giữa lòng tự hào bản thân, một khả năng có thể tự nương tựa bản thân ít nhiều ngạo nghễ, và một niềm tin sắt đá rằng mình là tín đồ của một sứ điệp âm nhạc quan trọng.

Trên đây là các trích đoạn từ quyển The Great German Composers của G. T. Ferris, xuất bản lần đầu năm 1891.

20/9/2022

Tác giả: G. T. Ferris

Người dịch: Bùi Thảo Hương & Y.K

~ 4000 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.


Dạ khúc: Khởi nguồn phong cách mới

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...

Phỏng vấn với AXEL RANISCH: “Điện ảnh là một phương tiện nhiệm màu”

rong phỏng vấn này, đạo diễn phim và sân khấu...