Yo-Yo Ma: Âm nhạc là sự hòa quyện của những nốt nhạc

0 Comment
599 Views

Tippett: Cha mẹ của ông là người Trung Quốc sống ở Pháp. Sau đó ông lại đặt chân sang thế giới khác khi chuyển đến Mỹ khi còn nhỏ. Tôi muốn hỏi nghệ sĩ một câu – đức tin hay tôn giáo có đóng vai trò gì trong tuổi thơ khi đó của ông không ạ? Ông định nghĩa nó thế nào cũng được.

Nghệ sĩ Ma: Vâng, như cô thấy trong lý lịch trích ngang của tôi, tuổi thơ của tôi hơi lung tung vì tôi bị nhiều thứ ngôn ngữ và thông điệp vây lấy. Còn đối với quan niệm về tín ngưỡng, thì mẹ tôi là người Tin Lành, cha tôi thì ít nhiều theo đạo Phật, còn tôi thì phần nào theo Tân Giáo.

Tippett: Lung tung. Tôi hiểu rồi.

Nghệ sĩ Ma: Vậy nên, tôi nghĩ là tôi đã dành cả cuộc đời mình để hiểu mọi thứ. Tôi còn nhớ, khi chỉ là một đứa trẻ năm tuổi – vốn là lứa tuổi mà chúng ta hay bày tỏ điều mà mình muốn làm khi lớn lên. Tôi nghĩ, lúc đó điều tôi muốn làm là thấu hiểu. Đó lại là điều ước của một đứa trẻ năm tuổi. Nhưng đó cũng là một gợi ý cho cô biết một tí về quan niệm sống của tôi được hình thành từ đâu. Tôi chắc chắn mình đã có tư tưởng ấy trước khi gia đình tôi chuyển đến Mỹ. Nên trước khi chuyển sang đó, tôi đã có suy nghĩ “Hmm? Không biết mọi thứ ở thế giới này thế nào nhỉ?”

Tippett: Vâng, tôi nghĩ câu hỏi ấy đã vang vọng xuyên suốt cuộc đời của ông. Chúng ta sẽ quay lại vấn đề ấy sau. Thì…nghệ sĩ đã thôi học vĩ cầm năm bốn tuổi và chuyển sang học cello. Ông nói rằng việc mình đến với cello bắt nguồn từ một thỏa hiệp, xảy ra vô cùng tình cờ. Nghệ sĩ có thể chia sẻ câu chuyện ấy được không ạ?

Nghệ sĩ Ma: Có một cây double bass khổng lồ, chắc cũng phải tám hay chín feet ở Học Viện Âm Nhạc Paris. Chúng tôi đã đi ngang qua và thấy nó. Đương nhiên với một đứa nhóc bốn tuổi khi thấy một thứ gì đó bự chảng, thứ gì đó khổng lồ, ơ, con thích nó [cười], con muốn chơi cây đàn này. Tôi đã thuyết phục ba mẹ bằng cách nói “Cho con học chơi cây đàn đó đi”. Đương nhiên điều đó bất khả thi đối với một đứa trẻ bốn tuổi. Nên sau đó, thỏa hiệp là cây đàn lớn nhất thứ hai, cây cello.

Tippett: Nhờ vậy mà chúng ta có Yo-Yo Ma, nghệ sĩ đàn cello tài ba.

Nghệ sĩ Ma: Vâng. Tôi là người có niềm tin mãnh liệt vào những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên giữa các sự vật, con người, hay hoàn cảnh. Bởi vì phần lớn cuộc đời tôi có vẻ được sắp đặt như thế.

Tippett: Vâng. Tôi thấy có một thứ tồn tại song song – không chỉ đơn giản là song song, mà là một niềm đam mê. Nó đan xen, gắn kết với nghệ sĩ bên cạnh niềm đam mê dành cho âm nhạc. Đó là một cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Cho nên tôi cảm thấy rất thú vị là, trong khi nghệ sĩ được xem là một thần đồng âm nhạc, nhưng ông không theo đuổi âm nhạc ngay từ đầu. Ông đã đến Harvard và học về nhân học [cười]. Nghệ sĩ có nghĩ là, ngay cả vào thời điểm đó, niềm đam mê ấy đã chiếm lấy một vị trí tương đương bên trong ông? Niềm say mê về nhân loại và văn hóa, và về cuộc sống so với niềm đam mê âm nhạc?

Nghệ sĩ Ma: Vâng, tôi nghĩ cô đã nhận ra được sự phát triển song song nhất quán của tôi. Kĩ năng chơi một loại nhạc cụ và việc cố hiểu mọi thứ và giải mã con người. Tôi nghĩ mối bận tâm xuyên suốt cuộc đời của tôi về thế gới loài người sẽ luôn là: ai làm điều ấy và tại sao?

Tippett: [cười] Xin nghệ sĩ chia sẻ thêm. Ý nghệ sĩ là ông chỉ muốn đặt câu hỏi về những sự việc xảy ra sau đó?

Nghệ sĩ Ma: Đúng vậy. Hãy thử tưởng tượng suy nghĩ của một đứa trẻ bảy tuổi ban đầu được cho xem khung cảnh của Paris, một khung cảnh không có những tòa nhà chọc trời, thay vào đó là những mái nhà ngộ nghĩnh – mái ngói và thỉnh thoảng còn có thêm ống khỏi và những thứ khác nữa. Sau đó, đứa trẻ ấy được chiêm ngưỡng khung cảnh của những tòa nhà hình chữ nhật, đã vậy còn có một cái tháp nước kì lạ nữa, kiểu nó có một cái thùng gỗ ở trên đỉnh. Sự khác biệt ấy sẽ khiến tôi có suy nghĩ, trời ạ, ai lại đi xây cái thứ đó nhỉ? Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? Ai đó đã làm chuyện này, đúng không? Sự băn khoăn này có thể áp dụng cho mọi khía cạnh trong cuộc sống. Tại sao chúng ta lại có những thói quen khác nhau? Tại sao lại chọn miếng bánh mì vuông, ruột trắng, đã được cắt miếng thay vì một ổ baguette thơm phức hương bánh nướng, hay vào buổi sáng khi bạn đi ngang qua cửa hàng bánh ngọt và [cười] tại sao bạn lại muốn nhón lấy ổ bánh mì hay cái bánh sừng trâu gần mình nhất. Rõ ràng là sự băn khoăn ấy xảy ra đối với ngôn ngữ, đối với hành vi, đối với mọi thứ tôi đang vô thức cảm nhận được, nhưng hẳn mọi thứ bắt đầu bằng ít nhất một câu hỏi: Tại sao? Tại sao nó lại như thế?

Tippett: Nói như vậy, những gì mà nghệ sĩ vừa chia sẻ về sự băn khoăn về cách con người bộc lộ bản thân trong những nền văn hóa khác nhau khi tương tác với những thứ như kiến trúc và thức ăn, thì đó chính là âm nhạc, lĩnh vực bậc thầy của ông. Điều đó khiến tôi có cảm giác rằng việc ông mang trong mình tố chất âm nhạc là bước khởi đầu cho tất cả những điều ấy – Tôi không muốn sử dụng từ “phong phú”, vì tôi nghĩ như thế là lạm dụng. Từ ấy gần như quá tối nghĩa so với những gì chúng ta đang nói ở đây – về sự dồi dào, muôn màu muôn vẻ. Nghệ sĩ có thấy vậy không?

Nghệ sĩ Ma: Đúng như thế. Tôi nghĩ Pablo Casals – nghệ sĩ cello vĩ đại đến từ Tây Ban Nha, Catalan – đã từng nói về sự đa dạng bất tận.

Tôi nghĩ đó là điều tôi đang tìm kiếm trong trí tưởng tượng của mình. Xin được trích một câu nói của Carl Sagan, nếu bạn nhìn lên “hàng tỉ tỉ ngôi sao ngoài kia,” [cười] nó sẽ kích thích trí tưởng tượng của một đứa trẻ. Bạn nhìn lên bầu trời và bắt đầu tự hỏi: Chúng ta đang ở đâu đây? Làm cách nào để chúng ta hòa vào vũ trụ rộng lớn này? Và theo như những gì Casals nói, ông ấy đang kiếm tìm sự đa dạng bất tận trong những nốt nhạc ông ấy chơi. Giống như Isaac Stern cũng đã từng nói, âm nhạc là sự hòa quyện của những nốt nhạc. Được rồi, vậy thì ý âm nhạc là sự hòa quyện của những nốt nhạc là sao? Thế bạn di chuyển từ nốt La sang nốt Si như thế nào? Bạn di chuyển dễ dàng chứ; hay nó diễn ra trong vô thức, việc chuyển nốt thật đơn giản, bạn cứ thế trượt sang nốt tiếp theo? Hay bạn phải vượt qua rào cản về thể chất, tinh thần, hay phải nỗ lực để di chuyển sang nốt tiếp theo? Nốt tiếp theo có là một phần của nốt trước đó? Hay liệu nốt tiếp theo nằm ở một vũ trụ khác? Có khi nào bạn vừa mới bước qua một ranh giới thú vị và bất chợt khám phá được nốt thứ hai?

03/12/2022
Bài phỏng vấn nghệ sĩ Yo-Yo Ma đăng trên On Being, tháng 07/2018.

Người dịch: Anh Van

Hình 1. Yo-Yo Ma, by Todd Rosenberg, 2010

Hình 2. Yo-Yo Ma, by Inc

~ 1400 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.