Mozart: Nhạc sĩ freelance đầu tiên trên thế giới

0 Comment
309 Views

Kapellmeister, Triều-Nghi chủ-sự*, là từ dùng để chỉ một chức vụ đức cao vọng trọng trong triều đình, phục vụ một quân vương hay một đại quý tộc, với một đại Thánh đường địa phương. Theo nhạc trưởng Christian Thielemann, khái niệm Kapellmeister bao hàm “những phẩm chất như hiểu biết về tác phẩm, tài năng, và sự tận hiến cho âm nhạc.” Johann Sebastian Bach từng là Kapellmeister cho vương tử Leopold triều Ascania (hay Anhalt-Cöthen); George Frideric Handel cho George, Tuyển hầu Hanover (về sau trở thành Vua George I của Vương quốc Anh). 

Cuối thế kỷ 18, nhiều bậc quý tộc Châu Âu đã suy yếu quyền lực kinh tế so với tầng lớp trung lưu mới phất, do chiến tranh (Áo-Thổ), do lạm phát, dẫn tới chi phí cắt giảm dành cho việc duy trì một Kapellmeister và gia tài âm nhạc. Năm 1790, Thái tử Anton Esterhazy nối ngôi Vua Nikolaus đã cho giải thể gần như tất cả thiết chế âm nhạc đồ sộ của phụ thân.

Nhạc sĩ freelance đầu tiên trên thế giới

Suốt đời mình Beethoven không đảm đương danh vị cao quý Kapellmeister. Dù hiểu rất rõ bảo trợ nghệ thuật từ giới quý tộc, nhà soạn nhạc vẫn chọn tư thế phê phán thẳng thừng cơ cấu thống trị cựu truyền, phi dân chủ của họ. Sử chép lại, ở buổi đại hòa nhạc Tháng 12 khi Beethoven ra mắt bản symphony số 5, Đại công tước Rudolph (con trai út Hoàng đế Leopold II), Thái tử Kinsky và Thái tử Lobkowitz chung tay lại để giữ chân nhà soạn nhạc ở lại Vienna, trước đề nghị chức vụ Kapellmeister cho triều Cassel của Vua Jérôme Bonaparte, em trai út đại đế Napoleon, với số tiền 4000 florin. 

Nhưng rốt cuộc chỉ có Đại công tước Rudolph chi tiền, Kinsky qua đời ít lâu, và Lobkowitz “xù” nợ, đẩy Beethoven vào cảnh lao đao không ít. Trước đó, Vua Leopold II, cha ruột Đại công tước Rudolph hào phóng, bị Mozart từ chối 800 florin dùng để giữ chân thiên tài ở lại, cũng là, Vienna. Mức 800 florin, do Mozart “ngã giá” ngay giữa triều đình với Leopold II, là “quá nhiều so với những gì thần phải làm, nhưng quá ít so với năng lực của thần,” chưa kể còn san sẻ với nhạc sĩ nhập ngoại đương thời như nhà soạn nhạc Ý Antonio Salieri (kình địch hư cấu của Mozart trong vở kịch thơ của Pushkin, về sau chuyển thể thành kịch diễn và phim điện ảnh).

Trong thư đề ngày 12 tháng Hai, 1778, Leopold Mozart viết tới con trai Mozart 22 tuổi những dòng sau: “Mọi thứ tùy thuộc vào phán xét và chọn lựa xem liệu con sẽ chết đi như một nhạc công tầm thường, hoàn toàn bị thế gian quên lãng, hay một Kapellmeister lừng lẫy được sử sách lưu danh.” 

Tháng Năm 1789, Mozart được tiến cử với Friedrich Wilhelm II, Vua Phổ thứ Tư, và được đặt hàng 6 bản symphony và 6 sonata cho piano. Bộ ba tứ tấu Phổ, K. 575, K. 589 và K. 590 được sáng tác và đề tặng đích danh Friedrich vốn mến nghệ thuật, chơi cello – nhưng chỉ ba tứ tấu Phổ tồn tại, còn lại không bao giờ xuất hiện. Ở một thư khác, đề ngày 30 tháng 9, 1786, Mozart đề nghị sẽ sáng tác độc quyền cho Hoàng tử Joseph Maria Benedikt xứ Furstenberg, để đổi lấy tài chính cố định, nhưng cũng bị từ chối. 

Một lá thư tháng Năm 1790 cho thấy Mozart suy tính tự ứng cử vị trí Phó Kapellmeister cho Thái tử Áo-Hung Franz Ferdinand. Cùng năm, vào tháng Tư, Mozart tự ứng cử chức Trợ lý Kapellmeister không nhận lương cho nhà soạn nhạc Leopold Hofmann, Kapellmeister đương nhiệm của đại Thánh đường Stephen (Vienna), đang đau yếu: theo tiến cử của Tòa Thị chính sẽ thay thế Hofmann. Cuối năm 1791, Mozart lìa đời, tuổi 35, còn Hofmann, hai năm sau, tuổi 55.  

Theo báo cáo 45 trang về số liệu thu thập sau 6 tháng của nhà kinh tế học William Baumol và vợ ông, Hilda, thu nhập trung bình của Mozart theo ước tính vào khoảng 2500 florin hàng năm, từ trình diễn, đặt hàng sáng tác, và giảng dạy. Khi người làm công chỉ nhận mỗi năm 25 florin, và không ít giới thượng lưu thu nhập chỉ khoảng 500 florin, số tiền nhận được đặt Mozart vào 5% chóp thượng lưu Vienna thời đó.

Số liệu khác cho thấy vào thập niên 1780, thu nhập của Mozart lên tới 10000 florin hàng năm, và cá biệt trong một lá thư gửi cho Leopold, cha ông, Mozart được trả những 1000 florin cho một trình diễn để đời. Từng có lúc Mozart và vợ Constanze sống cuộc sống xa hoa tột cùng, với giá thuê dinh thự 7 phòng mỗi năm 460 florin, số 5 đường Domgasse ngày nay, và ngay sau đại Thánh đường Stephen, nơi ông sáng tác opera Đám cưới Figaro. Ông còn tậu một cây fortepiano của Anton Walter 900 florin, và một bàn bida 300 florin, có thêm thú bài bạc thoảng khi. 

Nhưng hai vợ chồng cũng rất biết tiêu xài, thậm chí… quá biết. Dù vậy, bất kể quãng thời gian nợ nần do thói vung tay quá trán, năng lực sáng tác vô song, không gì khác ngoài tài năng phi phàm đã giúp ông và gia đình duy trì một cuộc sống về tổng thể vẫn trong mức sung túc, nào có nghèo hèn.

Từ những chuyến lưu diễn tới kinh đô giải trí Vienna

Một chân dung về Mozart bởi Johann Nepomuk della Croce, viết trong quãng 1780, tả Mozart khi “lên bốn, khi được cha dạy chơi thử vài khúc minuet bằng clavier… đã chơi lại giống hệt, đúng nhịp và bằng sự tinh tế cực kỳ.” 8 tuổi, năm 1764, Mozart sáng tác bản symphony đầu tiên, và hồi 1770, 6 năm sau, ông sáng tác vở opera đầu tiên, Mitridate Rè di Ponto (Vua Mitridate xứ Ponto), tại Milan, trong chùm ba vở, còn lại là Ascanio in Albia (1771) và Lucio Silla (1772). 

Cuối chặng lưu diễn cuối cùng khắp nước Ý, Mozart thiếu niên sáng tác tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của ông mà nay vẫn được trình diễn, Exsultate, jubilate, K. 165. Nhưng món thu hoạch quý giá nhất của quãng thời gian lưu diễn xuyên khắp Châu Âu, dẫu vắt kiệt sức gia đình Leopold, chính là những mối duyên được tiếp xúc với các tác phẩm và nhà soạn nhạc tài ba nhất Châu Âu khi đó, một truyền thống sẽ tiếp tục trau dồi suốt cuộc đời về sau của ông. Một thư Mozart tâm sự với cha mình, “Con cam đoan rằng những kẻ không đi đó đi đây (những ai làm nên nghệ thuật và học tập) quả thật là những tạo vật đáng thương.”

Trở về sau những năm tháng lưu diễn xuyên Âu, năm 1773 tới 1777, ông khênh cõng một chân nhạc công lương còm cõi dưới trướng và sai bảo của giám mục Salzburg Colloredo. Sớm bất mãn, ông qua Mannheim, Đức và kết thân với dàn nhạc thượng thặng nhất Châu Âu bấy giờ, và tháng Ba 1778 sang Paris tìm cơ hội mới. Năm 1779, nhờ thân phụ Leopold, ông về lại Salzburg, nhưng hy vọng sẽ qua Giám mục được diện kiến Hoàng đế và…. chuyển công tác ở Vienna hoa lệ. 

Lúc này, các buổi trình diễn đại chúng và chuỗi hòa nhạc cũng trẩy nở khắp Châu Âu: London có Viện cổ nhạc (thành lập 1726) và chuỗi hòa nhạc Bach-Abel (1765-1781); Paris có chuỗi Concert spirituel (1725-1790). Bị tống khứ khỏi Salzburg (theo cả nghĩa đen), háo hức với triển vọng cơi mở tại Vienna, nghệ sĩ freelance đầu tiên trong lịch sử như cá gặp nước: 1782 tới 1785 ông biểu diễn thường xuyên, nhất là solo trong tư cách “nghệ sĩ dương cầm giỏi nhất Vienna”, các bản concerto mới viết cho piano.

Giữa lúc không gian nhà hát bị hạn chế (duy nhất 2 tại Vienna), hòa nhạc của Mozart diễn ra tại các địa điểm khác thường (thời bấy giờ) như sảnh khiêu vũ nhà hàng Mehlgrube, hay tòa nhà Trattnerhof thuộc sở hữu của một thương gia buôn giấy thượng trung lưu – tầng lớp đang phất, tập tành thưởng thức. Qua truyền tai, các ấn phẩm, các buổi hòa nhạc của Mozart là những chiêu đãi đa dạng các thể tài thanh và khí nhạc của nhiều ensemble khác nhau, vươn khỏi các hòa nhạc tư gia dành cho ít ỏi đặc quyền tham dự. Âm nhạc, cụ thể là Phong cách cổ điển Vienna do Mozart chủ xướng, trở thành sản phẩm đại chúng, phổ thông cho một đô thành đông đúc, đa quốc gia, với hơn 250.000 cư dân. 

Quyển Steptoe, The Mozart-Da Ponte Operas, 1988, viết về Vienna, qua lời kể của một du khách người Anh: một đô thành ngột ngạt vẫn còn khoanh khép trong tường thành phong kiến xưa kia, “quá đỗi chật chội, xây cất tệ lậu, vô cùng đông đúc…” Johann Pezzl (1756-1823) trong quyển Skizze von Wien (Phác thảo Vienna) mô tả chi tiết tới cách thị dân ăn mặc, giá cả thức ăn, cách gái làng chơi hoạt động, và vì sao người Vienna chuộng bia bọt và nhảy múa. “Mỗi lần một vở opera hay kịch ra mắt, tiếng khua cọc cạch của cỗ xe, tiếng vó giẫm và tiếng thét giành đường của phu xe đánh qua giao lộ hai con đường Graben và Kohlmarkt (trung tâm sầm uất nhất Vienna) tổng gộp raa thành buổi hòa nhạc địa ngục trần gian,” Pezzl mô tả. Dân Vienna thích tiêu khiển, và hời hợt.

Trong thư ngày 3 tháng Ba 1784 gửi ông Leopold, Mozart liệt kê hết thảy 22 trình diễn, 17 tại nhà riêng, và 3 tự tổ chức, và 2 cho công chúng tại nhà hát, chỉ trong vỏn vẹn 5 tuần! Thư ngày 30 tháng Ba, Mozart tự hào khoe danh sách cam kết sẽ ủng hộ (mua vé!) hòa nhạc của mình – 174 nhà quý tộc và công dân tôn quý hàng đầu Vienna. Các buổi hòa nhạc của ông kéo dài, luôn mới, và thường bao gồm các sáng tác riêng, đượm thêm những trình diễn solo, giàu ngẫu hứng ngay tại chỗ, như 26 bản concerto viết trên đàn pianoforte. Hè 1788, Mozart sáng tác ba bản symphony cuối cùng, vĩ đại nhất và được trình diễn nhiều nhất của mình: K. 543, số 39 cung Mi giáng trưởng; K. 550, số 40 cung Sol; và K. 551, số 41 in cung Đô trưởng (tức Sao Mộc, Jupiter).

Thiên tài có ai thỏa hiệp? 

Trong quyển Tự do và Nghệ thuật: Tiểu luận về Âm nhạc và Văn chương, tác giả Charles Rosen cho rằng, nếu như Mozart đã bớt cương quyết trong khoản áp chuẩn và hình dung của bản thân về âm nhạc, thì hẳn ông đã nhận được một vị trí thường trực tại một thành phố lớn luôn từ chối ông mà thay vào đó chọn những nhà soạn nhạc biết chiều chuộng hơn như Salieri. 

Không khó hiểu, một nhà soạn nhạc tự nhận có thể “đón nhận hoặc bắt chước bất kỳ phong cách sáng tác nào,” thậm chí trường phái, vốn liếng hay truyền thống âm nhạc nào từng tiếp xúc, đương nhiên càng ý thức rõ rệt “giọng” của mình. Chính Mozart chia sẻ với chỉ huy Kucharz vở Don Giovanni năm 1787: “Người đời sai lầm khi cho rằng tài nghệ đến với tôi dễ dàng. Chẳng một kẻ nào bỏ nhiều thời gian và tâm tư vào sáng tác như tôi. Không có một bậc thầy lừng danh nào tôi chưa dày công, miệt mài học hỏi.”

Ấn tượng ban đầu dễ khiến chúng ta gán cá tính hơn người của khí nhạc Mozart có liên quan nào đó với gia cảnh đặc thù bấp bênh, căng thẳng, mà ông dường như mang ít nhiều vào sáng tác. Một bối cảnh chuyển giao, của các cấu trúc kinh tế và hội biến đổi chi phối cách sản sinh và phát tán nghệ thuật đương thời dường như dễ tạo ra thứ “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Nhưng thực tế, Mozart rất ít khi sẵn lòng chiều chuộng thẩm mỹ của bản thân ngang tầm thẩm mỹ đại chúng, một quan điểm được cây viết Charles Rosen và nhiều sử gia ghi chép về ông khác đồng tình.

Charles Rosen còn viết, “Chỉ khi nhìn ra bạo liệt và gợi cảm nằm tại chính giữa tác phẩm của Mozart chúng ta mới có thể bắt đầu hiểu thấu cấu trúc ông tạo ra và nhìn thấy sự kỳ vĩ của ông. Trong tất cả những biểu đạt về thống khổ và thất kinh lại luôn hiện hữu một sự ngồn ngộn nhục cảm.” Mozart nới rộng mọi thể loại âm nhạc ông chạm tay vào, và diễn trình hình thành phong cách của ông gần như song song với sự hình thành phong cách âm nhạc cổ điển, từ symphony tới opera, từ concerto solo tới nhạc thính phòng bao gồm tứ và ngũ tấu, và sonata cho piano. 

Mozart cho ra đời những tác phẩm đặt chuẩn mực, trở thành kiệt tác vượt dòng thời gian, nhưng đang lúc kỹ nghệ vẫn được khen ngợi hơn sáng tạo, Mozart vẫn không thiếu đất phô diễn. Trong quyển Phantasien über die Kunst für Freunde der Kunst, hay Phóng khúc về Chủ đề Nghệ thuật cho Bạn yêu Nghệ thuật của Wilhelm Heinrich Wackenroder (1773-98), một lý thuyết gia đời đầu chủ nghĩa Lãng mạn cùng với Ludwig Tieck, từ chính Mozart mà đưa ra quan điểm “âm nhạc lộ tỏ hàng ngàn sắc thái chuyển dịch của tâm hồn,” và các bản symphony “thể hiện những kịch tính không kịch tác gia nào tạo nổi,” bởi chúng là những xung động nội tại ta có thể cảm thấy nhưng chẳng diễn đạt được bằng lời. Sang thế kỷ 19, như đã biết, giải trí và vẻ đẹp nhường bước biểu đạt chủ quan và sự vẻ trác tuyệt.

Trong Lịch sử Âm nhạc phương Tây của Oxford, chương về Mozart, có viết về các chân dung nhân vật tài tình trong opera như thể hiện một “mối tương quan giữa con người với con người hình thành trong chủ quan của nhà soạn nhạc và chủ quan người nghe – mối tương quan của cảm thông dường như có khả năng vượt trên mọi khác biệt  về tuổi tác, giai cấp, giới, quốc gia, thời gian, bất kỳ ranh giới nào – nằm chính tại tinh thần lạc quan của Thuyết Khai sáng.” Chưa hết, “khi thành tựu ấy tái thiết trong địa hạt vô ngôn của khí nhạc, âm nhạc do nhạc cụ tạo ra được gán thêm sức nặng – quả thật, một sự thiêng liêng vô hình – hiếm thấy trước đó. Chúng ta có thể bắt đầu hiểu vì sao Mozart được tôn thờ, nhất là ở thế kỷ 19, như một bậc nhạc thánh xiển dương một ảnh hưởng màu nhiệm, độ lượng lên thế gian.”

Bách khoa toàn thư âm nhạc năm 1790 gọi Mozart “bậc thầy vĩ đại thông qua những tiếp xúc rất sớm với hòa âm đã thấm đẫm và thân thuộc tới nỗi một lỗ tai không đào tạo không thể nghe ra được. Cả những người có đào tạo cũng phải thưởng thức tác phẩm của ông rất nhiều lần.” 20 năm sau khi Mozart qua đời, chỉ có E. T. A. Hoffmann vẫn bảo vệ những luận điểm cho rằng hòa âm của Mozart khó hiểu. Như rất nhiều nghệ sĩ đương thời vẫn quy gán, Mozart là một nhà soạn nhạc có nhạc rất khó… chạy theo. 

Mozart 22 tuổi “quạt” thẳng một giọng hát chính tại Munich trót phàn nàn không thể spianare (tiếng Ý, tạm hiểu là khoe giọng, vượt lên dàn nhạc) trong đoạn tứ tấu trong opera Idomeneo, vốn theo nhà phê bình âm nhạc Julian Rushton là “thành tựu âm nhạc xuất sắc nhất của vở. Ông phải hát parlando (tiếng Ý, như đang nói chuyện, từ động từ parlare), Mozart nắn nót đương sự. Trong một lá thư tháng Năm 1783, ông chia sẻ với cha Leopold, “con đọc ít nhất hàng trăm libretto, mà vẫn chưa tìm ra dù chỉ một bản ưng ý.” 

Với opera Don Giovanni, khoảnh khắc bùng nổ thật sự vô tiền khoáng hậu bấy giờ chính là aria Nâng Champagne của nhân vật chính (mà không chính). Vận dụng ba điệu vũ minuet, follia và allemanda, trình diễn lần lượt bởi ba dàn nhạc con bố trí tại 3 vị trí trên sân khấu biểu trưng cho giai cấp được mời dự tiệc hóa trang. Ba dàn nhạc diễn tấu đồng thời như song tồn của ba giai tầng xã hội, hạ, trung và thượng lưu, đối chỏi nhưng vẫn hòa hợp tài tình. Aria này cũng là tâm sự duy nhất của Don Giovanni, bản aria duy nhất nhân vật phá bức tường thứ tư để “tâm sự” với khán giả – rốt cuộc không khỏi thắc mắc, đâu mới là con người thật bậc thượng thừa sát gái?

Trong lần ghé Ý và một trong những chuyến lưu diễn xuyên khắp Châu Âu cùng cha, Mozart ở ngay lần đầu nghe khúc Miserere, sáng tác Gregorio Allegri, giữa Nhà nguyện Sistine danh giá, đã chép lại bản nhạc theo trí nhớ, nghiễm nhiên vi phạm tài sản thuộc bảo hộ của Vatican. Trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc đầu tiên trong lịch sử  thuộc về Mozart. 

*Theo Trần Như Vĩnh Lạc

28/05/2022
Tác giả: Du Lê
Tranh của: Georg Edlinger, 1790
~ 3000 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.