Orphea In Love – Orphea Suy Tình

0 Comment
239 Views

ORPHEA IN LOVE – ORPHEA SUY TÌNH

Chủ đề: âm nhạc, vũ đạo, viễn tưởng, ngôn ngữ phim
Trọng tâm: âm nhạc, bộ môn biểu diễn, nước Đức, nghệ thuật

 

Khi Nele cất tiếng hát, tổng đài tối ám bỗng khẽ hừng lên một luồng sáng màu vàng. Đồng nghiệp cô lao ra khỏi ghế và hòa vào đoạn điệp khúc. Thậm chí trên gương mặt người sếp cáu bẳn còn nhoẻn lên một nụ cười. Nhưng nhật mộng của Nele chấm dứt đột ngột, khi nàng phải trả lời cuộc gọi tiếp theo, trong ánh đèn huỳnh quang lạnh lẽo.

Lớn lên ở Estonia, Nele theo học thanh nhạc để hát opera. Nhưng sự nghiệp bất thành. Nàng hiện đang sống ẩn mình giữa một thành phố lớn ở Đức trong một căn hộ nhỏ “share” với nhiều người, và chật vật kiếm tiền bằng đủ thứ nghề. Các tối, trong công việc trực quầy giữ áo khoác cho khách xem hát, nàng bí mật lẻn vào trong để thưởng thức các màn trình diễn: âm nhạc cứu vớt nàng. Rồi Nele gặp Kolya, một vũ công kiêm ăn cắp vặt. Hắn cũng cô đơn: một đứa con bị bỏ rơi đang sống với mẹ nuôi không có chút nào yêu thương cho mình ở một vạt đất bỏ hoang bên đường tàu lửa. Và hắn không nói thành lời, bởi vũ điệu mới là ngôn ngữ hắn sử dụng. Dù trong lần gặp thoáng qua đầu tiên giữa cả hai, Kolya bỏ chạy cùng chiếc ví của Nele, nàng không thể nào dứt hắn ra khỏi đầu mình. Khi cả hai tìm kiếm nhau, thành phố không tên tuổi trở thành tấm bình phong. Nhưng khi họ gặp nhau, Kolya chết bất đắc kỳ tử bởi một vụ tai nạn giao thông. Để cứu lấy người mình yêu, Nele đi theo chàng vào âm giới. Ở đây nàng buộc phải đối diện với một bí mật đen tối từ quá khứ của chính mình.

Orphea ở tổng đài

Truyền thuyết Hy Lạp về chàng Orpheus và nàng Eurydice rất thường được viện dẫn, tái hiện và chế giễu trong điện ảnh: Trong bộ phim Orpheus (Orphée, 1950, Pháp) đạo diễn Jean Cocteau đầu thai nhân vật anh hùng trong truyền thuyết vào Paris sau Thế chiến II, và cuộc hành trình vào địa ngục phản ánh tổn thương tâm lý còn sừng sững, chưa được xử lý, mà Thế chiến mang lại. Một thập kỷ sau, đạo diễn Marcel Camus để Orpheus da đen của mình, Orfeu Negro (đồng sản xuất Brazil, Ý và Pháp, 1959) lang thang giữa hỗn mang vô bờ bến của cuộc vũ hội hóa trang ở Brazil. Và câu chuyện Orpheus và Eurydice đóng trong vai trò tham chiếu về biểu tượng trung tâm trong bộ phim Bức chân dung thiếu nữ giữa làn lửa (Portrait de la jeune fille en feu, Pháp, 2019) của nữ đạo diễn Céline Sciamma, huyền thoại lại lần nữa được tái hiện qua lăng kính dị giới, nữ quyền.

Bộ phim opera đầy chất mộng du và trí tưởng tượng của Axel Ranisch cũng tương tự, khi chuyển dịch truyền thuyết bất tử vào trong chất liệu vô cùng đương đại – và không chỉ dừng lại ở sự đảo giới của hai nhân vật chính hòng biến Orphea/Nele trở thành nhân vật chính, người giải cứu chủ động cho Eurydice/Kolya. Nele là người lạc quan giữa một nền kinh tế thời vụ, nơi số lượng quan trọng hơn chất lượng; lão đại diện Höllbach xảo quyệt, béo ụ với bộ cánh sang trọng nhưng dối trá, tướng tá dân anh chị giang hồ, gương mặt đầy những hình xăm trổ ma quái, cai trị âm giới. Tình nhân của gã là diva opera Adina. Khi bà chẳng may mất giọng giữa một màn trình diễn, Nele hoàn thành aria dang dở từ hàng ghế khán giả. Höllbach nhận ra tài năng của nàng và đưa ra giao kèo: nếu nhường giọng hát của mình cho Adina, nàng có thể đưa người yêu đã chết trở lại dương gian.

Một chuyến tàu lượn cảm xúc bằng âm nhạc

Đạo diễn Axel Ranisch, vốn tự mô tả về bản thân là “siêu nghiện cổ điển”, nổi danh bởi tệp portfolio nghệ thuật cực kỳ đa dạng, bao gồm các vở hài kịch gần như không cần kinh phí, những tập phim dành cho khán giả trẻ, hay thậm chí một tác phẩm điện ảnh dành cho lứa tuổi vị thành niên về một vị vua nhạc pop (Ich fühl mich Disco, Đức, 2013) và rất nhiều lượt dàn dựng cho Nhà hát bang Bavaria danh giá.

Hiện Ranisch kết hợp điện ảnh và âm nhạc ngang nhau: ORPHEA SUY TÌNH không phải một chuyển thể đơn thuần một vở opera về Orpheus, mà là một collage âm nhạc cực kỳ đa dạng – một vở nhạc kịch vận hành bởi thi tính của chính nó, lên và xuống giữa hai biên văn hóa cao tầm và bình dân, băng qua hằng thế kỷ lịch sử. Ngoài các trích đoạn từ các chuyển thể về Orpheus danh tiếng của các nhà soạn nhạc Claudio Monteverdi hay Christoph Willibald Gluck, ta còn có các aria của Giacomo Puccini, Giuseppe Verdi và Richard Wagner, các tác phẩm đương đại diễn tấu bởi dàn nhạc, và thậm chí một interlude nhạc pop xướng theo lối gospel. Ranisch một lần nữa hợp tác với Nhà hát bang Bavaria, cùng giọng soprano Mirjam Mesak trong vai chính Nele không thể tự nhiên hơn. Đây là lần đầu cô tham gia trong một tác phẩm điện ảnh, cùng bạn diễn là diễn viên ballet Guido Badalamenti trong vai Kolya.

Mộng hay thực?

Giống trong tích xưa, ranh giới giữa đâu là thực và đâu là mộng tan biến đi trong ORPHEA SUY TÌNH. Thường khi ta chẳng rõ liệu Nele đang tỉnh hay đang mơ. Qua dàn dựng của mình, tận dụng góc máy và chuyển động, đảo góc, nhưng hơn cả chính là cách sử dụng ánh sáng và màu sắc, Ranisch phù phép những bối cảnh hàng ngày của thành phố thành những hậu cảnh opera tráng lệ. Khi nhạc cất lên và hai nhân vật chính bắt đầu cất tiếng hát hay điệu vũ, họ sẽ chuyển hóa những kẻ bên ngoài đôi chút dị thường thành những bậc anh hùng lãng mạn. Cái quen thuộc và phi thực chồng lấn nhau: những bóng đèn nê-ông sáng trưng sặc sỡ biến đường hầm dưới lòng đất thành một cánh cổng bí ẩn, bị ám chướng bởi cả một đội quân những vũ công và những chiếc mặt nạ lấp lánh; Quay với ánh sáng nền xanh và góc máy từ trên cao, một tòa sắt vụn xiên xẹo bỗng hóa thành một nhà hát ngoài trời.

Nhờ âm nhạc, Orpheus truyền thuyết đã tìm được cách băng qua âm giới. Khi tấu đàn lia và cất tiếng hát, chàng đã khiến chó ngao ba đầu Kerberos say ngủ và cuối cùng khiến cả Âm thần Hades mê hoặc. Âm nhạc cũng là tấm lá chắn cho Nele và Kolya: chở che khỏi cuộc sống thường ngày mà ở đó cả hai thường thấy cô độc, chẳng thể nào diễn đạt. Ở lần gặp gỡ đầu tiên, Kolya mời gọi Nele vào một điệu vũ chào mời trên vỉa hè trước ga điện ngầm. Máy quay lượn quanh hai nhân vật với những chuyển động dập dìu, bao lấy họ trong bong bóng xà phòng mỏng manh, giữa lúc thị thành nhòe đi phía sau. Qua âm nhạc và điệu vũ, cặp đôi bị ruồng rẫy thấu cảm mà chẳng cần đến lời lẽ. Tình yêu dành cho âm nhạc ấy tựa như một phương tiện biểu đạt xuyên suốt mọi cảnh quay trong ORPHEA SUY TÌNH: tình yêu ấy không chỉ hiện diện trên sân khấu opera, không thể bị mua chuộc, công cụ hóa hay nhốt đi. Như một thứ quyền năng siêu hình, tình yêu ấy khiến những nơi chốn thường ngày nhàm tẻ, những gặp gỡ thường ngày, trở nên ma mị, quyến rũ, chỉ cần ta tự cho phép mình tham gia.

 

Tác giả: Roberta Huldisch, nhà giáo dục tự do về điện ảnh và nghệ thuật, bài báo đăng ngày 5 tháng 6, 2023

Người dịch: Y.K, From Alpha To Opera.

~ 1400 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả tại đây.


Phỏng vấn với AXEL RANISCH: “Điện ảnh là một phương tiện nhiệm màu”

rong phỏng vấn này, đạo diễn phim và sân khấu...

Robert Wilson: Kiến trúc sư của thời gian

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...