Con vịt què

0 Comment
527 Views

Tôi từng sống trong nửa phòng ký túc xá ngay trung tâm Paris, cách Đại học Mỏ chỉ vài bước chân. Mỗi buổi chiều, từ một chiếc loa tồi tàn cũ kỹ của chiếc cát-sét cũ, bản Concerto số 2 cho Piano của Chopin sẽ vang lên, len lỏi qua chiếc chậu rửa mặt nứt được trưng dụng làm chậu bếp, qua cả nhà tắm chung lạnh lẽo, chiếc bếp bám đầy dầu mỡ và cả toilet cuối hành lang, loại cổ lỗ sĩ giật nước bằng dây. Cuộn băng này là một trong những vật tôi mang sang từ Mỹ để bầu bạn trong chuyến đi đầu tiên xa nhà qua châu Âu. Tôi lúc nào cũng vặn volume to nhất có thể, một điều khá rủi ro ở ký túc xá, nơi có quy định nghiêm khắc và yêu cầu hạn chế tiếng ồn. Về phá luật, nếu người Mỹ xếp thứ hai thì không có nước nào dám đứng đầu cả. Tôi đã nghe những bản thu đó một cách thành kính như các con chiên đi nhà thờ hàng tuần, một việc bây giờ tôi cũng chẳng thể làm được dù có muốn. Đó là một thói quen của những năm tôi hai mươi tuổi, sống ở Paris, không phải bây giờ. Bản concerto vang lên trong nơi ở chật hẹp đến thảm hại của tôi, trong tiếng huyên náo dọn dẹp của cô giúp việc, giữa những ước mơ ấp ủ của 140 cô gái từ nhiều ngả gặp nhau tại đây, sống tằn tiện với mơ ước được trở thành một ai đó quan trọng mà ra khỏi chỗ này. Chúng tôi chen chúc trong khu ký túc xá ấy, cùng ở trong những phòng chật hẹp, chịu đựng những quy định về giờ giới nghiêm và những chiếc chậu rửa mặt cũ kỹ, bởi vì chẳng ai có đủ tiền sống một cuộc sống khá hơn ở Paris.

Hồi đó tôi mới hai mươi tuổi. Âm nhạc của Chopin vang lên trong lúc tôi thương lượng bằng tiếng Pháp với bà tạp vụ thô lỗ người Algeri, người vẫn thường lục lọi đồ đạc của tôi và thậm chí ném hết cả thức ăn của tôi ra trong dịp lễ Passover (Ngày lễ Vượt qua hay Quá hải). Nhưng khi bản concerto vang lên, tôi quên mất mình là cô gái xa nhà, đang phải cố nịnh nọt xoa dịu bà tạp vụ và tìm cách trả tiền cho bánh matzah, loại bánh kiểu Paris giá cao, phết với một chút rượu cam ngon tuyệt; tôi hoàn toàn đắm chìm trong âm nhạc, quên hết mọi thứ xung quanh.

Nhưng cô giáo tôi, người dạy tôi tất cả về Chopin, sẽ không ngạc nhiên về điều đó.

“Em nghe này”, cô ấy nói rất nghiêm túc. “Đây là Chopin.” Cô chơi một đoạn nhạc nhanh, ồn ào, và nhẹ nhõm: giống như sấm và sét cùng một lúc. Tôi hoảng sợ, xấu hổ vì không biết một điều cơ bản đến vậy. Rồi cô bất chợt ngừng lại.

“Nào,” cô yêu cầu “đến lượt em chơi.”

Tôi nhìn cô, không rõ cô ấy đang nói gì. Sao tôi có thể chơi được?

Tôi biết tôi không thể làm khác. Cô ấy sẽ ngồi đó và nhìn tôi lê lết qua.

Tôi cố gắng đọc nốt và không đọc được. Tôi đánh chậm, và sai, sai một cách thảm hại và rành rành. Nhưng cô vẫn kiên trì: nếu tôi không chơi được đoạn nhạc, cô sẽ làm tôi cảm nhận được giai điệu. Và rồi cô bắt đầu gõ toàn bộ phần mở đầu bằng đầu tẩy của cây bút chì lên tay phải tôi. Và rồi cô ấy chơi một đoạn khác, rất nhanh. Cô lại dùng tay gõ lên tay phải của tôi. Tôi cảm thấy mặt cứng của những chiếc nhẫn bản to của cô, cứ vài ô nhịp lại miết viên đá vào tay tôi. Tôi cũng nghe thấy tiếng “Aach!”- tiếng thở dài khẽ, với một sự thất vọng, giữa những lần đánh nhịp. Tôi cố gắng ngồi im trong lúc cô gõ nhịp.

“Em không nghe thấy sao?” cô hỏi đầy ngỡ ngàng “Đây là Chopin! Nhà thơ của cây đàn piano! Đây là âm nhạc của ông ấy.”

03/12/2022

Tác giả: Aviya Kushner

Người dịch: Mai Thu Hà

Aviya Kushner reads “The First Time”, Ours Poetica, 2020

~ 800 từ

Quyền tác giả: Bản dịch này thuộc về saigonclassical và các dịch giả liên quan. Nếu có nhu cầu đăng lại trên website khác, vui lòng liên hệ saigonclassical thông qua email info@saigonclassical.vn hoặc fanpage của saigonclassical. Xem thêm chi tiết về quyền tác giả. tại đây.


Dạ khúc: Khởi nguồn phong cách mới

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...

Các bản dạ khúc của Chopin

Các hình dung về cái chết và dòng chảy của...